Misteri

Văn hoá PG
Home » » Ngồi lại và lắng nghe để xây dựng hạnh phúc

Ngồi lại và lắng nghe để xây dựng hạnh phúc

Chung sống với nhau trong một đoàn thể hoặc trong gia đình thì bản thân của mỗi người đều có cơ duyên học hỏi và thừa hưởng được những cái hay cái đẹp từ người khác hiến tặng. Tuy nhiên, bất cứ một tổ chức nào cũng có những phần khó khăn và phức tạp xảy ra. Đó là sự thật hiển nhiên. Bởi lẽ, khi con người vẫn còn bị bản ngã tham sân si khống chế, trói buộc thì phiền não khổ đau sẽ xuất hiện. Do đó, chúng ta ngồi lại bên nhau để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm bản thân, cũng như lắng nghe trọn vẹn những gì từ người khác nói là phương pháp vô cùng hữu hiệu, có khả năng giúp cho ta hiểu và thương được với những người chung sống.
Và vấn đề này đã được đức Thế Tôn dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách và từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.” (Tiểu Bộ I, Kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp, phẩm 2).
Trong truyền thống của đạo Phật, cứ mỗi nữa tháng những vị Tỷ-kheo ở các chùa đều phải ngồi lại bên nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tu tập cũng như nói ra những thiếu sót, lỗi lầm của mình trong nữa tháng vừa qua để được chư tăng soi sáng và chỉ bảo. Khi người phạm lỗi chí thành sám hối sửa đổi và quyết tâm hướng thiện, đồng thời nhờ vào những lời chỉ bảo tích cực của chư huynh đệ, nên các phiền não cấu uế dễ dàng được chuyển hóa, tâm hồn vị ấy trở nên thanh tịnh và trong sáng. Việc kế tiếp là ôn tụng giới luật, giúp các Tỷ-kheo ghi nhớ và hành trì. Việc làm này gọi là Bố-tát hay còn gọi là “trưởng tịnh”. Nghĩa là, nhờ vào phương pháp hội họp trong tinh thần hòa hợp, nên tâm hồn vị Tỳ-kheo trở nên thanh tịnh và đạo lực tăng trưởng.
Như vậy, đối với những người xuất gia ngày đêm tinh chuyên tu tập chuyển hóa phiền não tham sân si, nhưng vẫn phải thiết lập thời khóa hội họp vào mỗi nữa tháng một lần, để chia sẻ và hóa giải những gì yếu kém mà bản thân mỗi người không thể nào thấy biết hết được. Trong khi đó, các tổ chức đoàn thể hoặc tự thân của những vị tại gia, còn phải lo toan cơm áo gạo tiền và bận rộn trăm công ngàn việc thì những trắc trở, khó khăn và bất an không thể nào không hiện hữu. Do đó, việc ngồi lại bên nhau một vài lần trong tháng là điều cần phải thực thi. Bởi lẽ, chúng ta chỉ cần có mặt cho nhau trong một vài giờ đồng hồ và chia sẻ với tình thương chân thật của mình, thì sẽ tháo gỡ được mọi bế tắc khổ đau mà ta đang mắc phải.
Bài kinh trên dạy cho chúng ta biết rằng, chất liệu của sự hòa hợp trong Tăng đoàn là cội nguồn của hạnh phúc cho tự thân và lan tỏa đến với nhiều người. Bởi vì hòa hợp là yếu tố vô cùng thiết thực để thành tựu các thiện pháp, và làm nền tảng căn bản cho tăng chúng cường thịnh. Khi thầy trò, huynh đệ thiết lập được những buổi ngồi uống trà đàm đạo với nhau, và mỗi người nói ra vấn đề sai sót vụng dại của mình, cũng như đóng góp những ý kiến tích cực về đời sống sinh hoạt trong tăng chúng, thì trú xứ ấy sẽ xây dựng được nếp sống an lạc và hạnh phúc như lời đức Thế Tôn đã dạy. Công việc của những người xuất gia là hoàn thiện chính mình, và tạo dựng tăng đoàn thánh thiện để chánh pháp được hưng thịnh lâu dài trên cõi đời này, nhằm cứu giúp cho chúng sinh vượt thoát phiền não khổ đau. Vì thế, khi một trú xứ nào đó mà chư huynh đệ chung sống với nhau trong tinh thần “lục hòa cộng trụ” thì đạo tràng đó sẽ được phát triển và hưng thịnh. Nghĩa là, mọi người ở chung với nhau trong một trú xứ thì các nhu cầu sinh hoạt phải được chia sẻ đồng điều, không có dấu hiệu phân biệt kỳ thị. Và vấn đề này đã được đức Thế Tôn thiết lập thành sáu pháp hòa kính như sau:
1.   Thân hòa đồng trú (phòng xá, mọi người cùng ở như nhau)
2.   Khẩu hòa vô tránh (lời nói ôn hòa, không tranh cãi)
3.   Ý hòa đồng duyệt (mọi ý kiến đều được tôn trọng)
4.   Giới hòa đồng tu (giới luật cùng nhau gìn giữ)
5.   Kiến hòa đồng giải (thấy biết cùng giải bày cho nhau hiểu)
6.   Lợi hòa đồng quân (vật dụng phân chia đồng đều)
Sáu pháp hòa kính này rất quan trọng, có khả năng ngăn chặn các pháp bất thiện, giúp cho con người chung sống với nhau đạt được niềm an vui lớn. Cho nên đoạn kinh trên đức Phật nói rằng, có một pháp khởi lên ở đời đem lại lợi ích và hạnh phúc cho nhiều người, đó là hòa hợp chúng tăng.
Đối với đời sống xã hội, khi mọi người tiếp xúc trao đổi trong tinh thần hòa hợp và sống thật lòng với nhau, sẽ tạo thành sức mạnh và niềm tin vững chắc để đi tới sự thành công tốt đẹp mà bất cứ ngành nghề nào cũng đều mong muốn. Tuy nhiên, để tạo nên sự hòa hợp thâm tình giữa các mối quan hệ là cả vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi tự thân mỗi người phải nỗ lực phát huy khả năng lắng nghe và chiêm nghiệm thực tế hoàn cảnh của cuộc sống, mới có thể dễ dàng hiểu và thông cảm cho nhau.
Trong gia đình, nếu vợ chồng không biết lắng nghe nhau, cha mẹ không có cơ hội ngồi lại để lắng nghe những ý kiến đóng góp của con cái… thì gia đình ấy sẽ thiếu vắng sự truyền thông, không khí sinh hoạt trong ngôi nhà ấy sẽ nặng nề, mọi thành viên chung sống ở đó không đủ khả năng để nhìn rõ mặt nhau, và dĩ nhiên yếu tố hạnh phúc rất khó thành tựu. Ở các công ty xí nghiệp cũng thế, nếu ông chủ doanh nghiệp không tìm hiểu và lắng nghe ý kiến đóng góp từ những người công nhân, không tổ chức những buổi tọa đàm cho các thành viên trong công ty tham dự, bộ phận văn phòng và các ban điều phối thiếu sự truyền thông với nhau thì kể như doanh nghiệp ấy rất khó phát triển. Do đó, việc ngồi lại và lắng nghe nhau là vấn đề hết sức thiết thực cho cuộc sống, chúng ta cần phải để tâm đầu tư vào sự thực tập này.
Thực tế cho thấy xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất cũng theo đó mà nâng cao, nhưng yếu tố truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ đối với chồng, thầy cô giáo và học trò… hầu như chưa ổn thỏa. Những sự kiện tiêu cực cứ vẫn xảy ra trong các gia đình và xã hội mà báo chí đăng tin mỗi ngày. Như là; các ông chồng bà vợ không thể chấp nhận nhau nên đành phải chia tay, con cái không quan tâm cấp dưỡng cho cha mẹ, anh em giành giật, kiện tụng nhau vì tài sản cha mẹ để lại, không ít thanh thiếu niên ăn chơi hút chích, trộm cướp, cờ bạc v.v… rất nhiều sự kiện bất ổn xảy ra mỗi ngày.
Thực ra, các vấn đề phức tạp ấy đều bắt nguồn từ những con người thiếu sự hiểu biết. Nếu chúng ta biết bình thản ngồi lại quây quần bên nhau và bày tỏ thật lòng cho nhau nghe, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa. Trong các buổi họp mặt, bạn nên chọn một góc không gian yên tĩnh nào đó và để trước mặt mọi người một bình hoa tươi thắm. Mỗi người chỉ cần dùng một tách trà thơm và ngồi yên trong tư thế an ổn, thoải mái thì tâm hồn sẽ trở nên sâu lắng làm vơi nhẹ gánh nặng lo toan giữa cuộc sống đầy phức tạp này. Khi tâm ý yên tịnh, lời bạn nói ra sẽ chứa đựng nội dung an hòa, sâu sắc và tỏa chiếu tình thương yêu, lòng hoan hỷ khiến cho người nghe cảm thấy ấm áp, thân thương và gần gũi!
Để có một cuộc sống an vui hạnh phúc thì tự thân của mỗi người phải thường trực rõ biết từng hành động, nói năng và dòng suy nghĩ của mình. Mỗi ngày, bạn nên thực tập ngồi yên và nhận diện các cảm thọ sinh khởi ở thân tâm mình. Việc quán chiếu này sẽ giúp bạn phát huy khả năng định tĩnh và trong sáng vốn có nơi chính mình. Và đây là nền tảng căn bản để bạn có thể dễ dàng ngồi chung với những người thân quen trong không khí thâm tình hòa hợp, đem lại niềm tin yêu, an vui hạnh phúc cho tự thân và cho cả sự sống này.
Viên Ngộ
Share this article :