Misteri

Văn hoá PG
Home » » Ngẫm nghĩ về chữ Tu

Ngẫm nghĩ về chữ Tu


Cuộc sống luôn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Những quan điểm khác nhau này thường tùy vào chỗ đứng nhìn và cách nhìn sự vật và sự việc của mỗi người và mọi người. Có quan điểm cho rằng, việc chính của tu sĩ là tu, việc học chỉ là phụ. Vâng, thì tu là chính. Nhưng chỉ xét về việc tu thôi, chưa nói đến việc hoằng pháp, Tu là gì?
Thường thì ai cũng hiểu, Tu là sửa. Mà sửa cái gì? Ai cũng biết là sửa cái tâm. Nhưng tâm là gì? Tâm là quá trình tích lũy và chứa nhóm các pháp nhiễm và tịnh từ nhiều và rất nhiều kiếp. Nhưng để hiểu được sự vận hành, chuyển biến phứt tạp của tâm thức được tích lũy và chứa nhóm ấy trong mỗi chúng ta không phải là việc dễ.

Thường ai cũng biết tu là sửa cái tâm tham, tâm sân, tâm si…  để hết tham, hết sân, hết si… Những danh từ tham, sân, si đó chỉ là cách gọi chung để mọi người dễ hình dung được trạng thái tâm phiền não, tâm bất thiện của mình thôi. Chứ khi phân tích kỹ ở những tầng sâu vi tế của tâm thức luôn sanh diệt và hiển bày bằng lời nói và hành động trong cuộc sống thường ngày cũng như trong những tầng thiền định sắc và vô sắc là cả một hệ thống giáo lý sâu xa, không dễ gì chỉ nghe nói hay đọc qua là có thể hiểu và nắm bắt được. Mà nếu có hiểu và nắm bắt được tâm nào là tâm bất thiện, tâm phiền não thì cũng phải biết phương pháp cụ thể và rõ ràng để đoạn trừ tâm bất thiện và tâm phiền não ấy và phát triển tâm thiện, tâm không phiền não.
Phải bắt đầu đoạn trừ dần những tâm tham, sân, si… nhỏ nhất và căn bản nhất thì mới mong đoạn trừ những tâm tham, sân, si… to tướng đã biểu lộ rõ rệt và mãnh liệt qua hành động và lời nói. Không thể chỉ nói này là tham, này là sân, này là si…, mà hết tham, sân, si đâu. Đó là không nói đến, trong một số trường hợp, một số người còn cho rằng cái tham, cái sân, cái si ấy là đúng, là chân chánh nữa. Đức Thế Tôn chẳng dạy cái tham, cái sân, cái si nào là chân chánh cả. Cho dù nhân danh một cái nào đó cao đẹp đi nữa, nhưng nếu cái đó phát xuất từ tham, sân, si là đã sai trái lời Phật dạy rồi. Tất cả suy nghĩ và việc làm của người con Phật, dù việc lớn hay việc nhỏ, phải đặt trên nền tảng của tâm Bồ-đề, tâm chân chánh, tâm không tham, không sân, không si, tâm lợi tha.
Muốn hết tham, sân, si thì phải tu sửa mới hết được. Mà muốn tu sửa cái gì thì phải biết hư cái gì và biết cách sửa, mới sửa được. Muốn biết thì phải học, muốn sửa thì phải tu. Người tu Phật cốt yếu là đoạn diệt tham, sân, si… để thân tâm mình được an lạc và hạnh phúc ngay trong đời này và nhiều đời sau. Rồi đem cái mình tu được, học được chia sẻ và hướng dẫn nhiều người cùng học, cùng tu. Đó là thước đo sự thăng tiến tâm linh của người con Phật. Đó là một trong những mục đích chính của người con Phật, xuất gia cũng như tại gia. Được như vậy, Phật giáo mới luôn trường tồn và phát triển, mới đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông.
Đạo Phật là đạo của giải thoát và an lạc, là đạo của từ bi và hòa bình. Đạo Phật có bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. Chúng nào cũng là đệ tử của đức Thế Tôn, Đấng hiện thân của an lạc, giải thoát, từ bi, hòa bình… thì các chúng đệ của Ngài cũng phải hiện thân của an lạc… ấy giữa thế giới đầy tham giận này. Tuy cả bốn chúng đều là đệ tử của đức Thế Tôn, nhưng ở một chừng mực nào đó, cộng đồng các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni là hiện thân sống động nhất của đạo giải thoát, đạo an lạc... Cộng đồng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni luôn phải là hiện thân sống động của cái hay, cái đẹp, cái giải thoát và cái an lạc ấy. Còn ngược lại, cho dù giáo lý Phật giáo cao đẹp thế nào, cho dù con Phật có cố gắng truyền giảng rộng khắp lời Phật dạy đi nữa, nhưng mà cộng động đại diện của nó không còn hiện thân sống động của cái hay, cái đẹp, cái giải thoát và cái an lạc ấy thì đó là dấu hiệu của sự suy thoái. Đó là dấu hiệu đáng lo.

Share this article :