Nhiều người hay đi chùa chiền, lễ hội, vừa để cầu mong sự an khang, thịnh vượng, phát lộc, phát tài, vừa là một thú vui du ngoạn. Thiết nghĩ, cũng nên bàn về triết lý “Tĩnh tâm”.
“Tĩnh tâm” là kệ của nhà Phật, là một triết lý của đạo Phật. Một trong những đoạn nổi tiếng của kệ “Tĩnh tâm” được nói như sau:
…Danh, lợi, thế, quyền như bọt nước,Tiền tài, vật chất tợ (tựa) sương sa,Trăm năm không đạo, gây thêm tội,Một kiếp biết tu, khỏi lạc đường.
Đạo Phật quan niệm: Danh vị trong xã hội, lợi lộc, quyền thế, chức tước đáng xem nhẹ như bọt nước, chỉ xủi lên như bọt nước mà thôi; tiền tài và vật chất cũng chỉ như sương sa, như một hơi nước, một cái bóng mờ. Con người không biết tu dưỡng đạo đức, chỉ gây thêm tội lỗi; nhưng nếu biết tu thân, tích đức thì mới trở nên người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Triết lý “Tĩnh tâm” của đạo Phật được đúc kết qua thực tiễn hàng nghìn năm, có giá trị văn hóa, giá trị nhân văn và nhân đạo rất sâu sắc, cao rộng; bởi nó khuyên con người biết sống lương thiện, biết làm những điều có nghĩa, có nhân!
Cốt lõi của “Tĩnh tâm” là “tu tâm” - tức là sửa đổi lòng mình, để cho “tâm” được yên tĩnh, trong sạch và thanh thản, thoát khỏi những cám dỗ của đời thường và những ham muốn trần tục bất chính. “Tu tâm” cũng chính là “tu thân” - như quan niệm tích cực của Nho giáo, nghĩa là luôn luôn biết sửa mình, để bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp, có ích cho chính gia đình mình và cho xã hội, đất nước.
Trong cuộc sống xưa nay, nhiều người đã noi theo được lời dạy tiến bộ của đạo Phật: Không ham hưởng thụ, không ham tiền tài, danh vọng, lợi lộc bất chính. Các bậc danh sĩ nước ta, như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, v.v.. là những tấm gương tiêu biểu, cực kỳ sáng láng về quan niệm sống “Tĩnh tâm”.
Song, rất đáng tiếc, đáng buồn là ngày nay, rất nhiều người ham đi chùa chiền, chăm cầu nguyện, nhưng lại sống trái ngược với triết lý “Tĩnh tâm” của đạo Phật!Họ không chịu “tu tâm”! Họ cốt sống vị kỷ, vô cảm với những khó khăn, vất vả của cộng đồng và thờ ơ với lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ chạy theo danh vị, tiền tài, vật chất, lợi lộc, ham muốn hưởng thụ bằng mọi cách, mọi giá. Chia rẽ đoàn kết, trù dập người tài, người lương thiện để bon chen vào chức quyền. Làm ăn giả dối, buôn bán gian lận, điêu toa. Ham đua đòi hưởng thụ, ham tiền, ham vật chất mà cướp của, giết người, trộm cắp, lưu manh. Rồi những thói côn đồ hung hãn, quậy phá, bất chấp đạo lý và luật pháp; v.v..
Tóm lại, tất cả những chuyện bất lương - suy cho cùng - đều là do không biết “tĩnh tâm”, không tu thân, tích đức. Chao ôi, đã bất lương thì đến chốn chùa chiền, lầm rầm khấn vái Trời Phật, phỏng có ích gì?
Vậy nên, “Tĩnh tâm” không phải là biểu hiện của triết học duy tâm, siêu hình, siêu thoát. “Tĩnh tâm” không phải là lối sống vị kỷ, thoát ly xã hội, chạy trốn trách nhiệm công dân. “Tĩnh tâm” cũng không phải là lối “sống chậm” (trái ngược với lối sống gấp - tức là lối sống hiện sinh, lối sống thực dụng tầm thường) như một số người lầm tưởng.“Sống chậm” chỉ là cách sống không vội vàng, thuần túy sinh học - đâu phải theo quan niệm “Tĩnh tâm”!
Trái lại, “Tĩnh tâm” là một tư tưởng tiến bộ của đạo Phật, có ý nghĩa triết học duy vật biện chứng sâu xa, thể hiện mục đích sống thanh cao, tu thân, tích đức, luôn luôn sửa mình để sống cho trong sạch và ham làm việc giúp ích cho quốc gia, dân tộc.
Và như vậy, thật tuyệt vời - “Tĩnh tâm” tương đồng với khái niệm “thật thà tự phê bình” mà chúng ta thường nói hiện nay. Triết lý “Tĩnh tâm” chính là một vẻ đẹp văn hóa rất cao cả - vừa là văn hóa tâm linh, vừa là văn hóa thiết thực của mỗi Con Người chân chính và của cuộc sống muôn đời!
Đào Ngọc ĐệTheo: Quân đội Nhân dân