Phật giáo thừa nhận tầm quan trọng của sự ổn định kinh tế dựa trên những nền tảng sống đạo đức. Lợi ích xã hội không nên hiểu một cách hạn hẹp như là chỉ tích góp tài sản vật chất. Phật giáo nhấn mạnh vào phương tiện đúng đắn cho việc đạt được tài sản vật chất.
Khái niệm “kinh tế học Phật giáo” đã trở nên có ý nghĩa từ sau khi cuốn “Nhỏ Thì Đẹp” (Small is Beautiful) của E.F. Schumacher được xuất bản vào cuối bán thế kỷ 20. Kinh tế học hiện đại, được xác định như một ngành khoa học xã hội với những phương pháp cụ thể - đặc điểm của khoa học xã hội và tự nhiên, đã xem tất cả những vấn đề đạo đức là nằm bên ngoài lĩnh vực kinh tế. Khái niệm ‘kinh tế học Phật giáo’, mà nó có phần mới mẽ, có thể được xem như một nỗ lực liên hệ kinh tế học với những vấn đề đạo đức phát xuất từ giáo lý Phật giáo truyền thống, tìm cách đặt khía cạnh kinh tế đời sống xã hội trên một nền tảng đạo đức vững chắc. Schumacher nhận xét rằng Phật giáo có một triết học kinh tế mà về truyền thống nó được thể hiện ở nơi khái niệm “chánh mạng” (sammā ājīva).
Một trong những xu hướng gây lo ngại nhất trong đời sống hiện đại là việc tách rời những công trình khoa học ra khỏi những giá trị con người. Nhiều phương diện hạnh phúc con ngưuời đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong một vài thập kỷ qua là một kết quả của sự tách rời này. Do đó, việc tìm kiếm phương cách thuộc trí tuệ, triết học và thực hành, để tạo nên một sự hoà hợp đúng đắn giữa khoa học và những giá trị con người là điều cấp thiết. Tư tưởng Phật giáo hết sức thích hợp cho việc đưa đến sự hoà hợp này. Phật giáo xem việc phát triển kinh tế-xã hội là một tiến trình kép bao gồm việc phát triển những điều kiện sống vật chất và những phẩm chất sống thuộc đạo đức. Bất kỳ khái niệm phát triển nào mà nó bỏ qua điều này và gây phương hại cho điều kia, theo Phật giáo, được xem là không thích hợp và không cân xứng. Phật giáo cũng thừa nhận một vài trình tự mang tính ưu tiên liên quan đến tiến trình kép của việc phát triển xã hội này. Theo trình tự ưu tiên này, phẩm chất sống đạo đức không nên phụ thuộc vào việc truy đuổi những giá trị vật chất.
Việc sử dụng khoa học và công nghệ hiện đại rõ ràng đã cách mạng hóa những điều kiện vật chất của đời sống hiện đại. Những thành tựu của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực vật chất đã đưa đến một niềm tin chung, chúng là những phương tiện duy nhất cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Những khái niệm chung về phát triển xã hội cũng được quyết định bởi niềm tin này, và sự thật này được phản ánh nơi các quốc gia ngày nay được xem là phát triển. Tiêu chuẩn duy nhất của việc phát triển kinh tế-xã hội là việc thể hiện khối lượng hàng hóa vật chất được sản xuất và tiêu thụ.
Phương tiện sản xuất đúng và sai, những giới hạn đúng và sai đối với những gì được sản xuất và tiêu thụ, và việc phân phối công bằng những hàng hoá được sản xuất thì ít được quan tâm. Bỏ qua yếu tố đạo đức trong việc phát triển kinh tế-xã hội, điều đó sẽ nhanh chóng đưa loài người đi đến kết quả là tự chuốc lấy thất bại và hủy diệt. Do đó, suy nghĩ thấu đáo dựa trên tuệ quán Phật giáo về vai trò của đạo đức mà nó có những hàm ý bao quát liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội hiện đại, có thể được xem là một vấn đề vô cùng cấp thiết.
Những vấn đề thực nghiệm hay khoa học liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội rõ ràng không thể giống với những vấn đề đạo đức. Những vấn đề thực nghiệm thì được giải quyết bằng việc thông qua phương pháp điều tra này, còn những vấn đề đạo đức thì được giải quyết bằng việc thông qua phương pháp điều tra khác. Tuy nhiên, nói rằng trong việc xem xét những vấn đề liên quan đến một đời sống thoả mãn cũng như lợi ích và hạnh phúc của con người nói chung, những vấn đề đạo đức thì không có liên quan thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Những vấn đề khoa học không phải là những vấn đề đạo đức, nhưng những vấn đề đạo đức không phải hoàn toàn không liên quan đến các vấn đề khoa học, trong ngữ cảnh này chúng ta nên xem xét lại về hạnh phúc và lợi ích của con người.
Sự thực rằng việc đồng ý chung về các vấn đề đạo đức là khó đạt được. Điều này bởi vì có những bất đồng căn bản về những đại tiền đề mà chúng trình bày những nguyên tắc đạo đức được những truyền thống khác nhau chấp nhận. Các triết gia luôn quan tâm việc nghiên cứu những nguyên tắc quy phạm hợp lý để thực hiện những đánh giá đạo đức có giá trị. Mặc dù không có sự đồng ý cuối cùng trong sự nghiên cứu này, những thảo luận triết học ít ra có thể giúp loại trừ một vài quan điểm không đáng tin cậy và đưa ra những điều khác như là có thể dễ chấp nhận hơn. Trong mọi lĩnh vực sống của con người, Phật giáo ưu tiên quan điểm sống đạo đức; và trong vô số ngữ cảnh mà ở đó những giá trị đạo đức đã được đưa ra, có một số nguyên tắc cơ bản đã được nói rõ, những nguyên tắc này phù hợp với những quan điểm đạo đức chung của con người có lý trí. Những gì con người làm, cũng như những gốc rề tâm lý của những gì họ có khuynh hướng làm, đã được mô tả trong giáo lý Phật giáo như là thiện và bất thiện (về phương diện đạo đức).
Theo Phật giáo, sự phân biệt này phải được xác định bằng việc xem xét kinh nghiệm chung của con người về những kết quả lâu dài của các hành động dựa trên những tác nhân cá nhân. Phật giáo cũng quan tâm đến những gì thường được hiểu như là Luật Lệ Vàng về đạo đức, nó hướng dẫn việc hành xử của chúng ta theo một cách thức mà theo đó chúng ta không làm cho người khác những gì mà chúng ta không muốn người khác làm cho mình. Tương ứng với cơ sở lý thuyết này, việc phân tích đạo đức Phật giáo là nhận ra ba gốc rễ của điều xấu ác hay hành vi bất thiện (akusalamala), đó là tham, sân và si. Trong kinh Kālāma chúng ta thấy rằng, khi hành xử con người bị chi phối sâu nặng bởi tâm thức tham, sân và si, thì kết quả không phải là hạnh phúc mà là khổ đau và tổn hại.
Khái niệm “con người kinh tế” được phát triển trong ngữ cảnh kinh tế học hiện đại mà nó tách người ta ra khỏi “con người đạo đức” đã tạo nên một hố sâu không thể vượt qua giữa kinh tế học và những giá trị con người. Adam Smith, “cha đẻ kinh tế học” đã phủ nhận quan điểm rằng, những hoạt động kinh tế của con người có thể luôn được điều chỉnh hay sửa đổi bằng những giá trị đạo đức. Lord Keynes, người ủng hộ học thuyết này, đã nhấn mạnh trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 1930 rằng, những xem xét đạo đức không những không thích đáng mà còn cản trở sự phát triển kinh tế.
Như đã lưu ý ở trên, Phật giáo xem tham (lobha) là một gốc rễ của hành xử bất thiện (akusalamala). Trong giáo lý đức Phật, tham được xem là nguyên nhân của đời sống không thỏa mãn (dukkha), và con đường đạo đức được đặt ra trong Phật giáo là tìm cách giải thoát con người ra khỏi đời sống không thoả mãn bằng việc đoạn trừ tham. Do đó, Phật giáo đôi khi bị xem như là một trở ngại đối với việc phát triển kinh tế, bởi vì mỗi khi vắng mặt lòng tham hay mong muốn tìm kiếm tải sản vật chất, những động cơ thúc đẩy cho hoạt động kinh tế được cho là bị cản trở. Nhiều quốc gia trên thế giới được xem là đang đi theo toàn cầu hoá và kinh tế thị trượng tự do, điều bị thúc đẩy bởi lòng tham. Những quốc gia về truyền thống coi trọng những giá trị đạo đức Phật giáo cũng không còn ngoại lệ. Từ cái nhìn Phật giáo, các xã hội chịu sự ảnh hưởng ấy là đang bị thúc đẩy bởi những lực đẩy mà giáo lý Phật giáo tìm cách loại trừ, đó là những lực đẩy của lòng tham. Từ cái nhìn Phật giáo, thứ dẫn dắt con người đi theo chiều hướng ấy là si, gốc rễ bất thiện khó đoạn trừ.
Hệ thống giá trị Phật giáo không tán thành việc hi sinh những giá trị con người vì mục đích kinh tế. Tài sản vật chất không được xem như là mục đích tối hậu. Phật giáo thừa nhận sự cần thiết của việc có đủ tài sản vật chất, nhờ đó con người có thể hoàn thiện khả năng cao hơn là con người đạo đức và tâm linh. Phát triển kinh tế chỉ để thoả mãn những đòi hỏi do tham muốn vô độ gây ra, và việc sản xuất quá mức các thứ hàng hóa chỉ để phục vụ cho những tham muốn vô hạn mà nó đang khai thác những nguồn tài nguyên giới hạn, là đang đi ngược lại quan điểm của Phật giáo, rằng tài sản vật chất chính nó không phải là mục đích. Sự phát triển xã hội không thể chỉ được đong đo bằng khối lượng hàng hóa vật chất được sản xuất và tiêu thụ. Sự phát triển xã hội cần đến sự hiện diện, và sự tham gia tích cực của một cộng đồng có đời sống đạo đức và tâm linh cao ở trong xã hội; sự thừa nhận và hỗ trợ thích hợp của xã hội để duy trì cộng đồng ấy. Khía cạnh này được thể hiện rõ nơi kinh Kasibhāradvāja.
Bài kinh kể lại cuộc viếng thăm của đức Phật đến nơi làm việc của một nông dân Bà-la-môn tên là Kasibhāradvāja, khi vị này đang cùng với các nhân công của mình chuẩn bị đồng áng để gieo trồng cho vụ mùa sắp tới. Kasibhāradvāja tỏ ra khó chịu khi nhìn thấy một vị khất sĩ với bình bát cầm tay trong lúc ông đang lao động sản xuất kinh tế nông nghiệp. Ông bảo đức Phật hãy trồng trọt giống như ông và sống bằng những gì mà Ngài làm ra bằng chính sức lao động của Ngài. Trả lời điều này, đức Phật nói với vị Bà-la-môn rằng, chính Ngài đã tham gia vào công việc sản xuất mà ở nhiều khía cạnh nó tương tự với những gì vị Bà-la-môn đang làm, nhưng về phẩm chất thì cao hơn nhiều, trong ý nghĩa rằng sản phẩm cuối cùng của nó là vượt qua cái chết. Trong ngữ cảnh này, đức Phật đã so sánh những phương cách rèn lyện tâm lý và đạo đức như tín (saddha), tinh tấn (tapo), và tuệ (panna) với những dụng cụ được sử dụng trong trồng trọt, và qua đó cho thấy giá trị của việc rèn luyện tâm lý và đạo đức là có giá trị cao hơn.
Từ cái nhìn Phật giáo, một cộng đồng mà nó toàn tâm với mục đích hoàn thiện đạo đức là từ bỏ mọi sở hữu vật chất; và việc cộng đồng đó tìm kiếm sự hỗ trợ vật thực từ cộng đồng cư sĩ thì không bị xem là một gánh nặng kinh tế đối với xã hội. Một cộng đồng như vậy được thừa nhận như là một nguồn đạo đức cho tổng thể xã hội, vì họ được xem là những con người thích hợp nhất mang đến cho xã hội những giá trị đạo đức. Sự phát triển xã hội cần đến giá trị đạo đức ấy. Kinh Phật có đề cập đến chuyện một vị Bà-la-môn than phiền về cô con gái của mình, do vì cô gái đã nhiệt tâm ủng hộ tăng đoàn. Ông bảo rằng cô gái đang ủng hộ những người không tạo ra của cải vật chất, sống đời sống thờ ơ, từ bỏ trách nhiệm làm việc và lao động.
Trả lời của cô gái một cách thích hợp đã trình bày quan điểm của Phật giáo về những giá trị đạo đức và xã hội. Cô chỉ ra rằng những vị khất sĩ mà cô cúng dường là những người tinh cần, họ đang thực hiện công việc cao quý nhất là giải thoát tâm thức khỏi tham và sân. Chính từ cái nhìn này mà ở trong cộng đồng Phật giáo, người cư sĩ xem tăng đoàn là một phước điền vô lượng. Trong truyền thống Phật giáo, hàng cư sĩ ủng hộ vật chất cho tăng đoàn được xem là một việc làm phước thiện lớn. Việc cung cấp những nhu yếu phẩm cho tăng đoàn được cho là tạo cơ hội cho hàng cư sĩ thực hiện bổn phận của mình, để qua đó họ có thể đạt đến những kết quả tâm linh cao hơn.
Đáp lại sự cúng dường ấy, những thành viên của tăng đoàn phải hướng dẫn cho hàng cư sĩ những vấn đề đạo đức hợp lý để họ sống một đời sống mãn nguyện và cân bằng. Vào thời đức Phật, mối liên hệ này được xem là điều cần nên được khuyến khích để đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội. Kinh Sigālovāda, một bản kinh trình bày mô thức Phật giáo về phát triển kinh tế xã hội được đặt nền tảng trên đạo đức, xem cộng đồng tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống các mối quan hệ xã hội, tạo nên lợi ích cho xã hội.
Phật giáo không phản đối sự giàu có vật chất, cũng không xem nghèo đói như một giá trị. Phật giáo gộp nghèo đói chung với khổ đau, và do đó phải xoá bỏ nghèo đói trong xã hội. Tuy nhiên, việc chỉ quan tâm tìm kiếm tài sản vật chất được xem là một thái độ thể hiện sự mù quáng. Người nào nếu không mưu cầu tài sản vật chất cũng không theo đuổi việc phát triển đạo đức, họ có thể được so sánh với người bị mù hai mắt. Nếu họ chỉ mưu cầu tài sản vật chất nhưng lại bỏ qua việc phát triển đạo đức thì họ được so sánh với người bị chột một mắt. Quan điểm này của Phật giáo cho thấy rằng, hạnh phúc của con người được hiểu là ở nơi cả điều kiện kinh tế lẫn đạo đức.
Phật giáo khuyên chúng ta áp dụng những nguyên tắc đạo đức như từ bi, cảm thông, lương thiện và công bằng vào trong đời sống kinh tế. Theo Phật giáo, phát triển kinh tế xã hội mà không thực hiện theo những phẩm chất đạo đức ấy thì được xem là phi đạo đức và không có giá trị. Có một vài giá trị xã hội, chẳng hạn như các giá trị liên quan đến đời sống gia đình, dường như đang bị đe doạ bởi con người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền.
Ngay ở những quốc gia như Tích Lan, nơi những giá trị sống truyền thống chính yếu có gốc rễ từ Phật giáo, những người mẹ trẻ đã rời bỏ gia đình để tìm kiếm những công việc có lợi tức cao hơn ở những quốc gia xa xôi khác, do bị sự giàu có vật chất lôi kéo. Kết quả là, những đứa trẻ trong độ tuổi phát triển đã không có được tình thương và sự quan tâm thích đáng, cũng không có được sự hướng dẫn đạo đức mà những bậc làm cha mẹ phải có trách nhiệm truyền trao cho chúng, dẫn đến sự đỗ vỡ các giá trị đạo đức trong gia đình. Những người chồng và vợ xa nhau trong một thời gian lâu dài đã đánh mất những giao ước hôn nhân; và rồi gia đình đỗ vỡ, xa hơn là gây nguy hại cho hạnh phúc con cái của họ.
Nhiều quốc gia đang phát triển đã lấy mức độ phát triển kinh tế làm vị trí quốc gia mà không quan tâm đến đời sống đạo đức và tâm linh của dân chúng. Những quốc gia này đang đi ngược lại giáo pháp Phật giáo mà nó quan tâm đến một nền tảng đạo đức đúng đắn dành cho đời sống kinh tế. Liên hệ đến vấn đề này, ở đây xin đề cập một trường hợp nỗi bật, đó là những thứ bại hoại đã xâm nhập vào những xã hội truyền thống do việc đẩy mạnh du lịch bừa bãi gây ra. Nếu không có sự phòng ngừa thích đáng trong việc phát triển du lịch, thì chính du lịch trở thành một trong những nguồn có khả năng du nhập vô số những điều xấu xa vào một đất nước. Kinh nghiệm gần đây tại những quốc gia đang phát triển đã cho thấy rằng, việc buôn bán ma túy, kinh doanh tình dục, buôn bán trẻ em bất hợp pháp và sự gia tăng việc khiêu dâm là những điều tệ hại liên quan đến việc phát triển du lịch bừa bãi.
Hoạt động kinh tế theo cách thức trên là đang đi ngược lại khái niệm chánh mạng của Phật giáo mà nó bao gồm việc loại bỏ những hoạt động sản xuất kinh tế đưa đến việc làm băng hoại đạo đức. Giáo pháp Phật giáo định rõ rằng buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán các chất gây say nghiện và buôn bán độc dược là những loại nghề nghiệp đem lại những kết quả gây tổn hại đạo đức. Đây chỉ là một vài nghề nghiệp tương ứng với những điều kiện vào thời đức Phật. Trong ngữ cảnh xã hội hiện đại, chúng ta có thể xem nhiều loại nghề nghiệp khác mà về phương diện kinh tế thì có hiệu quả, nhưng về phương diện đạo đức thì rất đáng khiển trách.
Phật giáo thừa nhận tầm quan trọng của sự ổn định kinh tế dựa trên những nền tảng sống đạo đức. Lợi ích xã hội không nên hiểu một cách hạn hẹp như là chỉ tích góp tài sản vật chất. Phật giáo nhấn mạnh vào phương tiện đúng đắn cho việc đạt được tài sản vật chất.
Đạo đức Phật giáo yêu cầu việc tìm kiếm tài sản kinh tế nên được thực hiện bằng những phương tiện đúng đắn, tránh việc bóc lột. Phật giáo cũng chú ý đến tầm quan trọng của việc chia sẻ tài sản kiếm được bằng một phương thức công bằng, đạo đức và hợp lý. Đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp cơ hội bình đẳng cho dân chúng để họ có được sự ổn định kinh tế, và trong việc thực hiện những thỏa thuận về sự đóng góp tài sản hợp lý mà qua đó ngăn chặn việc xuất hiện một khoảng cách rộng giữa người giàu và người nghèo. Phật giáo chỉ ra rằng, nếu chúng ta tạo nên những điều kiện đưa đến sự gia tăng đói nghèo trong xã hội, thì những giá trị đạo đức sẽ bị đánh mất, và xã hội có thể đi dần đến chỗ huỷ diệt tổng thể.
Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên bất chấp kết quả suy thoái môi trường thiên nhiên, và việc làm suy kiệt những nguồn tài nguyên không thể tái tạo đang trở thành một đặc tính toàn cầu về loại kinh tế hiện đại, là điều không thể chấp nhận được theo Phật giáo. Phật giáo quan tâm đến sự thật rằng, thiên nhiên tác động bất lợi trở lại việc khai thác tham lam các nguồn tài nguyên. Trong Phật giáo, sự suy thoái các tiêu chuẩn đạo đức được xem là gây nên những ảnh hưởng có hại đến trật tự tự nhiên, thậm chí ảnh hưởng đến sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, ảnh hưởng đến quy trình thời tiết khí hậu và lượng mưa.
Xu hướng toàn cầu hóa và kinh tế thị trường tự do có khuynh hướng làm tăng trưởng những ham muốn, lôi kéo con người vào việc tìm kiếm những hàng hóa xa hoa sang trọng. Phương tiện truyền thông đóng một vai trò tích cực thông qua một bộ máy tuyên truyền, khắc sâu một cách quá mức những giá trị vật chất vào trong giới trẻ. Nó trở nên khó khăn, đặc biệt cho những người có độ tuổi thanh thiếu niên, để đề kháng lại sự cám dỗ của những hàng hóa xa hoa, khi tưởng tượng rằng những thứ ấy có thể khiến cho họ hạnh phúc hơn. Một sự mê loạn tham lam như vậy cuối cùng đưa đến sự thất vọng và chán chường, khi họ nhận ra rằng họ không có đủ tài chính để sở hữu những gì họ khao khát.
Nhiều thập kỷ trước, Schumancher đã nhận xét rằng:
“Một thái độ sống mà nó chỉ tìm cách thực hiện việc mưu cầu tài sản như là mục đích duy nhất – nói tóm lại, là chủ nghĩa vật chất – thì không thích hợp với thế giới này, bởi vì nó không bao hàm bên trong nó nguyên tắc giới hạn, trong khi môi trường mà ở đó nó được đặt để là hoàn toàn có giới hạn. Và môi trường đang cố nói với chúng ta rằng những căng thẳng đang trở nên quá mức.”
Rõ ràng những gì mà Schumacher nhận xét ngày nay càng đúng hơn. Phật giáo thừa nhận sự thật rằng, về phương diện tâm lý, việc thoã mãn các thú vui giác quan là không có điểm cuối cùng. Chính vì lý do này mà sự mãn nguyện được xem là tài sản lớn nhất. Phật giáo giới thiệu một khái niệm về tài sản, được gọi là tài sản cao quý, bao gồm những phẩm hạnh đạo đức như: Saddhā (tín/niềm tin đúng đắn), Sīla (giới/phẩm hạnh đạo đức), Hiri (tàm/hỗ thẹn khi làm điều xấu), Ottappa (quý/sợ hãi về điều xấu đã làm), Cāga (rộng lượng), Suta (lắng nghe và học tập) và Paññā (trí tuệ). Phát triển kinh tế mà bỏ qua những giá trị đạo đức này thì được xem là không thích đáng.
Các xã hội dường như đang đi chệch khỏi mục đích, rằng phát triển kinh tế là để đem lại hạnh phúc, an ninh và sự ổn định xã hội. Mối đe doạ lớn lao nhất đối với xã hội hiện nay là sự mất cân bằng sinh thái, kết quả của việc truy tìm tài sản vật chất thiếu những ràng buộc đạo đức. Vẫn còn cơ may để thoát khỏi thảm hoạ đang xảy ra mà loài người phải đối mặt, nếu hành động chữa trị được thực hiện nhanh chóng bằng sự suy nghĩ đúng đắn, là việc phát triển kinh tế phải tính đến các ràng buộc đạo đức. Phật pháp thật sự cần thiết cho điều này.
Pahalawattage Premasiri - Nguyên Hiệp dịch