Misteri

Văn hoá PG
Home » » DIỆU NGHĨA HOA SEN TRONG PHẬT GIÁO

DIỆU NGHĨA HOA SEN TRONG PHẬT GIÁO

Hoa sen hay Liên hoa là loài hoa thanh khiết thiêng liêng có vị trí tôn quý đặc biệt trong giáo nghĩa cùng với sức phát triển bao trùm trên nền văn hóa Phật giáo. Để nắm vững đặc điểm thù thắng đó trong Phật giáo, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu hoa sen về phương diện thực vật học, kế đến sẽ phác họa vài nét về vị trí hoa sen trong niềm tin tôn giáo cổ xưa, và sau cùng đến phần hoa sen trong Phật giáo. 
Phần 1: Về phương diện thực vật học, hoa sen (Lotus) là loài thực vật thủy sinh thuộc dòng bộ phái Proteales, họ Nelumbonaceae, chi phái Nelumbo. Trong chi phái này có 2 loại: Nelumbo Nucifera và Nelumbo Lutea
I. Hoa sen Nelumbo Nucifera: thường được gọi là Indian lotus, Sacred lotus, Oriental lotus, cũng chính là loài sen bản địa của Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Hoa sen sinh trưởng ở ao hồ hoặc khúc sông nông nước trầm lặng. Hoa sen có nét đẹp thanh khiết thùy mị, bông búp tròn đầy đặn, đỉnh nhọn như hình tháp, sắc trắng, hồng, xanh (màu xanh rất hiếm) giản dị mà trang nhã. Hương hoa dịu dàng thoang thoảng và thuần khiết. Rễ sen mọc từ bùn tận đáy ao, nhưng lá sen vẫn có khả năng vượt khỏi mặt nước, và bông vượt trội khỏi mặt nước chừng vài tấc. Điểm đặc biệt là cấu trúc hoa, trong hoa có đài sen (còn gọi là gương sen: circular seed pod) nơi chứa  hột ngay khi hoa còn búp, khi hoa tàn, cánh hoa rụng, đài sen tiếp tục phát triển cho đến khi hạt già, đài sen khô héo, hạt già tự động rơi xuống nước, mà tiếp tục chu kỳ sanh trưởng. Sen có giá trị thực dụng rất cao: lá sen gói thức ăn, lá non làm salad và soup (Đại Hàn và Nhật), ngó sen làm dưa, gỏi..., củ sen nấu thức ăn ngọt lẫn mặn, hạt sen ăn tươi hoặc để khô nấu chín làm chè, nhân bánh đủ loại, tua sen, cánh hoa làm salad, nhụy sen(đặc biệt là phần hột gạo của tua sen) ướp trà... Sen lại là loại dược thảo siêu hạng, từ hoa lá cho đến hạt, gương, ngó sen, củ sen, ngay cọng cứng của hoa lá... cũng đều chứa chất thuốc cả.
Ngoài giá trị thực dụng, hoa sen còn có nhiều đặc tính kỳ diệu mà các loài hoa khác không hề có, xin sơ lược dưới đây:
1. Hoa và quả kết cùng một lúc: trong hoa đã có hạt, trong hạt đã có mầm lá (tim sen tức liên tử tâm: lotus heart). Gương sen với hàng lớp hạt trật tự là cấu trúc đặc biệt không loài hoa nào có cấu trúc tương đồng.


2. Tánh không ô nhiễm và trừng thanh: Sinh trong bùn lầy mà không bị bùn lầy ô nhiễm, ngược lại, còn làm trong sạch hóa môi trường.
3. Tánh tinh khiết: Hoa tinh khiết từ khi nở cho đến lúc tàn, cánh hoa và nhụy... không bị các loài ong bướm xôn xao hút hương nhụy gây ồn ào và làm nhơ bẩn.
4. Tánh thanh cao: hoa đẹp theo lối đằm thắm, trang nghiêm mà giản dị: màu sắc trang nhã chớ không lòe loẹt sặc sỡ, tỏa hương dịu dàng thùy mị chớ không ngây ngất nồng gắt, nên tạo cho tao nhân cảm giác cao thượng, thanh thoát.
5. Khả năng sinh tồn vượt bực: hạt giống không hư hoại dù bị vùi dập cả ngàn năm vẫn duy trì mầm sống. Các cuộc thí nghiệm của Bác sĩ R. Brown năm 1855, bác sĩ J. Bamsbattom năm 1942, bác sĩ Ichiroohga... đều đã xác nhận điều này (trích Hoa sen với đạo Phật, Phan Bá Cầm).
6. Lá sen có khả năng vượt khỏi mặt nước, và khả năng tự làm sạch, mà giới khoa học gọi là “hiệu ứng Lotus” (giáo sư ngành thực vật người Đức tên là W.Barthlott khám phá tính chất bất cấu nhiễm của sen đem áp dụng để chế tạo ra loại vật liệu xây dựng có bề mặt tự làm sạch và được giải thưởng bảo vệ môi trường - trích Hương sen, Nguyễn Tường Bách).
7. Khả năng điều hòa nhiệt độ ở mức 86 đến 95 độ F khi trời lạnh xuống còn 50 độ F (phúc trình của Dr. Roger S.Seymour và Dr. Paul Schultze-Motel, giáo sư University of Adelaide Australia - theo Wikipedia: Nelumbo).
II. Hoa Sen Nelumbo Lutea: còn gọi là sen mỹ hay sen vàng: Loại sen này sinh trưởng từ miền Đông Nam Hoa Kỳ và chạy dài đến vùng Trung và Nam Mỹ. Về phương diện thực vật nó rất tương đồng với sen Á châu, nhưng còn mang chất hoang dại, bông thon nhỏ thưa thớt, hương kém đậm đà, đặc biệt là cánh hoa đầu tròn nên bông búp không có đỉnh nhọn như sen Á châu và hoa mang sắc vàng nhạt, đôi khi gần như trắng. 

III. Loài Bông Súng (water lily): Trong nhiều thế kỷ trước, người  ta thường lầm lẫn gọi loài hoa súng là sen vì cả hai đều sinh sôi ở ao hồ; nay người ta đã tách sen, súng thành hai hệ phái riêng biệt, vì có sự khác biệt về cấu trúc lá và hoa (chỉ riêng sen có gương; lá sen có khả năng vượt khỏi mặt nước). Súng thuộc bộ phái riêng biệt là: Nymphaeales, họ Nymphaeaceae, chia thành 8 chi phái lớn với tổng số hơn 70 loại. Xin đơn cử vài loại đáng chú ý như sau:
1. Bông súng chi phái Nymphaea: là loài đông đảo nhất, bông thon dài, màu sắc sặc sỡ, cánh bông đa dạng nhiều tầng lớp, nên rất được ưa chuộng. + Loại Nymphaea Stellata, tức blue star lily, là loại bông Thánh biểu tượng quốc gia của Sri Lanka, có màu xanh, và được nhân dân nước này coi là Hoa sen xanh (blue lotus tức utpala theo truyền Phật Giáo xa xưa, xem hình bên trái).+ Loại Nymphaea Caerulea, bông xanh (sáng nở tối khép lại), Nymphaea Lotus bông trắng (tối nở, sáng khép lại), cả hai gọi chung là bông súng sông Nile (Nile water-lilies) và cũng mang tính chất thiêng liêng: tượng trưng cho mặt trời, cho sự sáng tạo và hồi sinh nên rất được tôn sùng và gọi là lotus Ai Cập. 
2.Bông súng chi phái Victoria(Victoria water lily): Victoria là tên do nhà thực vật học John Lindley đặt tên cho loài hoa vĩ đại này vào năm 1837 để tôn xưng danh hiệu Nữ hoàng Anh, nó phản ảnh khá chính xác về sức mạnh xâm lăng khổng lồ của đế quốc Anh thời đó, chi phái này gồm 2 loại là:Victoria amazonica là loại súng vĩ đại thuộc lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ, nổi tiếng với loại lá rộng đến 3 thước đường kính (có sức chịu đựng khoảng 50kg, theo K. Festeryga và SeoYoun Kim thì sức chứa có thể lên đến 136kg). Điểm đáng lưu ý là nó có khả năng bành trướng khó ngăn chặn, nếu vô tình để lan đến những cánh đồng rộng như Đồng Tháp thì rất khó kiểm soát và tiêu diệt, vì trừ mặt trên của lá bóng láng, phần còn lại: cọng, hoa và nhất là mặt dưới của lá tua tủa gai dài cả inch, gai này khá độc, ngoài ra, phấn hoa dễ sanh dị ứng. Thật ra, loài súng nầy chỉ hấp dẫn đối với kẻ hiếu kỳ nhờ chiếc lá vĩ đại, nhưng nó không chút đặc điểm nào tương đồng với bông sen cả. Trong phạm vi bài này, tác giả đã đề cập đến để tránh những ngộ nhận đáng tiếc, mà chính tác giả thời trẻ cũng tưởng đó là một giống sen quý hiếm. Trước năm 1975,  loài súng Victoria amazonica này từng được đưa về Việt Nam trồng tại Vườn Bách Thảo Sài Gòn nhưng chỉ ghi tên khoa học, nhưng gần đây được biết đã xuất hiện ở ngôi chùa Phước Kiển, xã Hòa Tân, tỉnh Đồng Tháp, với truyền thuyết là sen lạ tự mọc một cách huyền bí, có người còn chủ trương gọi tên là sen Tây Vức. Victoria cruziana cũng là loại súng vĩ đại thuộc vùng trũng Paraguay-Panama, Nam Mỹ châu. Lá loài này tương đối nhỏ hơn loài amazonica đôi chút, với điểm khác biệt là mặt dưới lá màu tím còn loại amazonica thì màu đỏ.IV. Sen Tuyết (snow lotus): Tuy cũng gọi là lotus, nhưng loài hoa tuyết này khác hẳn với hoa sen lẫn hoa súng, chúng thuộc họ Asteraceae, và có tên là khoa học là Saussurea laniceps (bông trắng) và Saussura medusa (bông hồng). Cả hai đều mọc trên xứ Tuyết thuộc vùng núi Hy Mã Lạp sơn ở độ cao bốn ngàn thước, và đều được xem là thần dược trong ngành y học cổ truyền Tây Tạng. 
Phần 2: Vị trí hoa sen trong niềm tin cổ xưa

1. Hoa sen trong nền văn minh cổ Ai Cập: Cổ Ai Cập tôn kính hoa sen như là một biểu hiện của vầng thái dương, cho sự sáng tạo và tái sanh. Theo thần thoại về sự sáng tạo thì vào thời đại hỗn mang nguyên sơ, một hoa sen vĩ đại xuất hiện, từ đó mặt trời đã mọc ngay vào ngày đầu tiên, tạo thành phần thượng của Ai Cập. Theo huyền thoại khác thì khi vũ trụ còn hỗn mang với biển cả nguyên sơ vô cùng gọi là Nun, từ đó có đóa sen xanh nở cùng với sự xuất hiện của thần Ra, vị Thần Thái Dương (Sun God), và thế giới bắt đầu từ đó. Hoa sen sáng mở cánh cho Thần bước ra, và khép lại khi Thần trở về với nó mỗi ngày, và như vậy mà có hiện tượng mặt trời mọc rồi lặn. Do đó, hoa sen vừa có tính chất sáng tạo, vừa hồi sinh. Hoa sen là nguồn sáng tác thiêng liêng và dồi dào của văn minh Ai Cập, rất nhiều sáng tác nghệ thuật đã lần lượt khám phá trong các đền đài và lăng tẩm xưa. (Xin lưu ý Egyptian lotus, như phần thực vật học đã trình bày, ngày nay đã được các nhà thực vật học xếp vào họ bông súng (Nile water-lilies), chớ không là họ sen nữa).
2. Hoa sen theo huyền thoại Ấn Độ: cũng tượng trưng cho khả năng sáng tạo và sự hồi sinh. Theo huyền thoại thì từ rốn của thần Vishnu mọc ra đóa sen, từ hoa hóa sanh thần Brahma tức Phạm Thiên, rồi do tâm của Brahma đã sáng tạo ra đất trời và sự sống. Thần bảo quản Vishnu tọa trên tòa sen, tay cầm 4 yếu tố sáng tạo trong đó có búp sen. Các vị thần Hindu đều đứng ngồi trên tòa sen, tay còn cầm hoa sen. Tượng nữ thần Lakshmi, vợ của Vishnu, tọa trên đóa sen hồng, mỗi tay - từ hai cho đến tám tay - lại cũng đều cầm đóa sen, nữ thần tượng trưng cho thịnh vượng, trong sạch, cùng sự trẻ đẹp vĩnh hằng. Ngay như lá sen cũng được ca ngợi về tính không thấm nước nhiễm ô. Kinh Bhagavad Gita dạy rằng: “Một hành hoạt không dính mắc với tâm thành dâng thành quả cho đấng Vô thượng, là hành hoạt không nhiễm ô, tợ như lá sen không bị nước thấm ướt”.
Phần 3: Hoa sen trong đạo Phật 
 I. Hoa sen là biểu tượng phổ quát trong niềm tin và tư tưởng Phật giáo:
1. Hoa sen là biểu tượng của sự thanh tịnh: Đặc trưng thanh tịnh này thay đổi tùy thuộc vào bốn màu sắc khác nhau của hoa sen:- Utpala hoa sen xanh, biểu trưng cho sự thanh tịnh của trí tuệ, được tôn xưng là hoa đại trí của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và của Đức Đại Thế Chí Bồ tát.- Padma hoa sen hồng (khi sen nở sắp tàn, màu trở nên sậm hơn nên có tên gọi riêng là Kamala - sen đỏ) biểu trưng cho sự trong trắng của tấm lòng, của tình thương; đây là hoa sen đại bi của Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Padma tức Padme (Tây Tạng)  là một từ quan trọng trong lục tự chân ngôn “Om mani padme hum”, chân ngôn có vô lượng nghĩa nhưng có vị tạm giảng là: “Ô! chân linh trong hoa sen” hay “Quy y châu ma ni trên hoa sen”, cũng có thuyết cho rằng padme tức sen hồng tượng trưng cho đại bi và ngọc ma ni tượng trưng cho đại trí, nên chân ngôn diệu nghĩa có thể là: “Ô! chân Bi Trí nhiệm mầu”.- Pundarika hoa sen trắng biểu trưng cho sự thuần khiết tối thượng chân thực của tâm linh tức Phật tánh. Theo quan niệm của Phật giáo Tây Tạng thì sen trắng còn tượng trưng cho lòng bi mẫn, và đồng hóa với White Tara (Bạch Đa La), một hóa thân sinh ra từ giọt nước mắt thương xót chúng sanh của Bồ tát Quán Âm. - Và Mukula hoa sen màu vàng kim là hiện thân của Đức Phật, tượng trưng cho đức thanh tịnh tuyệt hảo. (Theo các nhà học giả Tây phương thì sen Ấn Độ xưa nay chỉ có ba màu trắng, hồng và xanh (rất hiếm), còn màu sen vàng chỉ là màu tượng trưng nhằm tôn kính Phật nên không thực có. Nhận xét này có vẻ khá chính xác vì trong nhiều bài pháp ghi trong  kinh điển Nam tông, nhân khi nhắc đến hoa sen thời đó, Đức Phật chỉ nói đến ba màu: xanh, hồng và trắng mà thôi.- Hoa sen màu tía(purple): màu sen nầy chỉ thấy trên sáng tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và trong các Mạn đà la.  
2. Đặc tánh thăng hoa giải thoát: Hạt sen từ bùn nhơ nảy mầm, vượt khỏi bùn, vượt khỏi mặt nước, ngoi lên không khí trổ hoa, tương tợ như người hành giả từ cõi Dục nhơ bẩn, vượt qua khỏi cõi Sắc và cõi Vô sắc, để nở đóa hoa trí huệ thơm ngát thành bậc giác ngộ. Hoa sen quả xứng đáng với lời Đức Phật tán thán: “Như từ trong đống bùn nhơ vất bỏ, sinh ra hoa sen thanh khiết ngọt ngào làm đẹp ý mọi người; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sinh những vị đệ tử bậc Chính giác đem trí tuệ soi sáng thế gian” (HT. Thích Minh Châu - bản dịch 1980b: 58 - trích từ Hoa sen trong Văn hóa PG, T.Hạnh Tuệ)
3. Đặc tánh bất nhiễm của hoa sen cũng được Đức Phật Thích Ca nhắc nhở nhiều lần trong các thời pháp, thí dụ như trong Kinh Tương Bộ,Tương Ưng Uẩn, Phẩm Hoa, Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, ví như bông sen xanh, bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm”. Tính bất nhiễm còn thể hiện qua truyền thuyết, khi vừa đản sanh từ hông mẫu hậu, thái tử Tất Đạt Đa đã đi bảy bước và mỗi bước đều có hoa sen nâng chân Ngài. Truyền thuyết này có lẽ hàm ẩn khả năng sống trên cõi đời ngũ dục mà Đức Phật không đắm nhiễm để vươn lên như hoa sen, tỏa ngát hương thanh tịnh giải thoát trao cho muôn loài. Ngoài ra, hình ảnh này cũng khơi nguồn cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Bắc truyền, theo đó Bồ tát thõng tay vào chợ, hội nhập vào thế gian đa sự, mà không bị ô nhiễm, để tùy duyên giáo hóa cứu độ chúng sanh. Đây cũng chính là đặc điểm mà Hòa thượng Làng Mai đã đề cao khi khởi xướng pháp tu giữ chánh niệm trong từng bước chân đi, qua tập sách thiền “Từng bước nở hoa sen”.
4. Đặc tánh chủng tử bất hoại: Hạt giống sen ngàn năm không hoại, tương tợ như hạt giống Phật đã gieo vào tàng thức đến tám đại vạn kiếp vẫn tồn tại và có lúc cũng nở hoa. Trong kinh Nam truyền có ghi chuyện một ông lão chừng 90 tuổi đến tịnh xá Kỳ Hoàn xin xuất gia, các vị A la hán đệ tử của Đức Phật Thích Ca sau khi quan sát nhận thấy trong tám đại vạn kiếp lão chưa từng gieo trồng căn lành nên từ chối. Đức Phật nghe biết sự việc trên, Ngài cho ông lão xuất gia, và sau khi được Phật khai thị, ông liền đắc Sơ quả. Sau đó, Đức Phật mới giải thích cho các đệ tử hiểu, là xa hơn 80 vạn kiếp về trước, có lần ông lão là một tiều phu bị cọp dữ rượt phải trèo lên cây trốn tránh, trong cơn sợ hãi bỗng nhớ đến Phật liền niệm lớn “Nam mô Phật!”. Sau khi thoát nạn, gã tiều phu tiếp tục kiếp sống buông lung không hề gieo trồng căn lành nào nữa trong 80 đại kiếp về sau, không ngờ, căn lành niệm Phật ngày xưa giờ đây trở nên thành thục nên vừa được Phật khai thị lão liền đắc Sơ quả. 
5. Hoa sen - một pháp môn vi diệu:  Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tiếng Phạn: Saddharma pundarika sutram (nghĩa từng chữ: saddharma = diệu pháp, pundarika = sen trắng, sutram = kinh) tức “kinh Diệu Pháp sen trắng” là bản kinh Bắc tông đã dành cho hoa sen một vị trí tối thượng: hoa sen tượng trưng cho Phật tánh,  là tính giác ngộ mà mỗi chúng sanh đều có sẵn, như hạt sen đã sẵn có mầm hoa để khai nở, tỏa hương cho đời. Trong kinh này, Đức Phật đã đưa ra thông điệp “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”; nguyên lý mọi chúng sinh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật, thành người giác ngộ và giải thoát, là một nguyên lý vĩ đại, nêu cao tinh thần bình đẳng tột cùng cho muôn loài.Chính do đặc tánh vi diệu thù thắng này nên Tổ Thiên Thai đã y cứ vào kinh Pháp Hoa lập tông, đồng thời viện dẫn ba đặc điểm của hoa sen gọi là Pháp Hoa tam dụ là: a. Vị cố liên hoa (vì hạt có hoa) b. Hoa khai liên hiện(Hoa nở bày hạt) và c. Hoa lạc liên thành(hoa rụng hạt thành) để khai quyền hiển thật diễn giải ý nghĩa nhiệm mầu của kinh Pháp Hoa.
6. Đài sen tượng trưng cho quả công đức: Vừa kết hoa, thì gương(đài) sen tượng hình và bắt đầu đơm hạt, tợ như khi người hành giả vừa phát tâm bồ đề, thì quả công đức bắt đầu nảy mầm. Chính nhằm thể hiện ý nghĩa đài sen tượng trưng cho đài công đức này mà các nhà nghệ sĩ tranh tượng Phật giáo xưa nay đã đồng loạt tạo dựng mô hình tôn kính chư Phật, chư Bồ tát bằng cách an vị quý Ngài trên đài sen. Điểm cũng nên lưu ý rằng tùy theo hạnh nguyện và công đức thù thắng khác nhau mà đài sen của chư Phật, chư Bồ tát cũng có những chi tiết khác nhau... Theo quan niệm của Tịnh độ tông, thì ngay khi một hành giả phát đại nguyện tu tập cầu vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc, thì một đóa sen công đức tương ứng với họ liền hóa hiện ở cõi Tịnh độ, hoa lớn dần theo công phu tu tập, ngược lại, sẽ teo nhỏ hay khô chết nếu hành giả thối chuyển. Và cứ vào kinh Quán Vô Lượng Tho thì trên cõi Tây phương Cực lạc thế giới của Đức Phật A Di Đà có hoa sen chín phẩm, lớn nhỏ, màu sắc khác nhau, tùy theo công đức tu hành của hành giả sâu cạn như thế nào mà hóa sanh về cõi ấy theo phẩm vị của mình: “Hoa sen chín phẩm làm cha mẹ. Sen nở thấy Phật ngộ vô sanh” là ước nguyện tối hậu của hành giả tu pháp môn Tịnh độ.
7. Cánh hoa sen cũng hàm ẩn ý nghĩa tượng trưng cho vạn pháp, hay muôn vàn phương tiện tu tập. Hoa sen 4 cánh tượng trưng cho giáo lý Tứ diệu đế, sen 8 cánh chỉ cho Bát chánh đạo, (sen xanh 8 cánh cũng là biểu tượng Gia đình Phật tử Việt Nam), sen 10 cánh tượng trưng cho Thập thiện, 12 cánh cho giáo lý Thập nhị nhân duyên..., hoa sen trăm cánh tượng trưng cho Bách pháp Minh môn, sen ngàn cánh dụ cho Thiên pháp Minh môn, và sen vạn cánh cho Vạn pháp Minh môn.
8. Hoa sen trong vũ trụ quan Phật giáo: Theo kinh Hoa Nghiêm thì thế giới Ta bà nằm ở vị trí trung ương của cánh hoa thứ 13 của đóa sen Nhứt Thế Ma Ni Vương Trang Nghiêm, mà chúng tôi cố gắng sơ lược như sau:Vũ trụ quan Phật giáo được mô tả trong kinh Hoa Nghiêm và Phạm Võng, theo đó vũ trụ mênh mang không ngằn mé, có hằng hà sa số thế giới hải. Một thế giới hải lại có hàng hà sa số thế giới chủng. Một thế giới chủng lại có vi trần số thế giới tổng hợp... Thế giới hải liên hệ với thế giới hiện tại của chúng ta là Liên Hoa Tạng Trang Nghiêm, gọi tắt cõi Hoa Tạng, là cảnh Thật báo vô chướng ngại độ của Đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai. “Liên Hoa” là hoa sen, đây chỉ cho hoa sen chúa Chủng Chủng Quang Minh Nhụy Hương Tràng, đại liên hoa (Nhụy Hương Tràng) bao trùm và duy trì vi trần thế giới chủng như hoa sen hàm chứa hạt sen, nên gọi là Hoa Tạng. Thế giới hải Hoa Tạng gồm có đến mười bất khả thuyết Phật sát vi trần thế giới chủng, các thế giới chủng đều y trụ trên hoa sen trang nghiêm bằng chất báu ma ni vương đều phóng ánh sáng bảo sắc; đều có mây quang minh phủ che và đều có các trang nghiêm cụ, và thời kiếp sai biệt... liên tiếp kết thành thế giới võng an lập khắp cõi Liên Hoa Tạng.   Từ trung ương biển Hoa Tạng nổi lên hoa sen lớn tên Nhứt Thế Ma Ni Vương Trang Nghiêm. Trên hoa sen, có thế giới chủng Phổ Chiếu Thập Phương Xí Nhiên Bảo Quang Minh an trụ. Thế giới chủng này được tạo thành bởi vô biên thế giới bằng số bụi nhỏ của nhiều cõi Phật, liên kết nhau thành dãy dọc từ thấp đến cao trên hai mươi tầng cánh hoa. Cõi Ta bà và Cực lạc đều tọa vào cõi trung ương cánh hoa sen tầng thứ mười ba. Có lẽ đây là một trong lý do mà chúng sanh cõi Ta bà tuy cách cõi Cực lạc đến hơn 10 vạn ức kiếp Phật độ lại có nhiều duyên phước (hay nói khác là dễ giao cảm) với cõi Cực lạc hơn bất cứ cõi tịnh độ nào khác.
9. Hoa sen trong kinh luận khác: Ngoài các kinh điển thuộc hệ thống A Hàm, các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Phạm Võng cùng toàn thể hệ thống kinh luận Tịnh độ đậm đặc hình ảnh hoa sen,... kinh luận khác của Phật giáo Bắc tông có rất nhiều đề mục liên hệ đến hoa sen, khó lòng liệt kê đầy đủ, chỉ xin vắn tắt ghi vài bộ tượng trưng:- Kinh Đại Bát Nhã nói về một loài sen đặc biệt có nghìn cánh là Thiên diệp Liên hoa. - Kinh Như Lai tạng ghi: “Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong chiên đàn lầu các, đang ngồi chốn đạo tràng mà hiện pháp thân biến ra hoa sen ngàn cánh, lớn như bánh xe, trong sen hóa ra vị Phật, mỗi vị Phật phóng ra vô số trăm ngàn hào quang.- Kinh Đại thừa Bổn sanh Tâm Địa Quán diễn tả hình ảnh huyền diệu của chư Phật, giảng pháp cho các hàng Bồ tát theo ba hạng: Chư Phật ngồi trên hoa sen trăm cánh giảng Bách pháp Minh môn, ngồi trên sen ngàn cánh giảng Thiên pháp Minh môn, ngồi trên sen vạn cánh giảng Vạn pháp Minh môn.- Theo Hoa Nghiêm kinh thám huyền ký, hoa sen có mười đặc tính: 1. Vi diệu; 2. Khai phụ; 3. Đoan chính; 4. Phân minh; 5. Thích duyệt; 6. Xảo thành; 7. Quang tịnh; 8. Trang sức; 9. Dẫn quả; 10. Bất nhiễm.- Theo Nhiếp Thừa Luận Thích thì bốn đặc tính của sen (hương thơm, thanh tịnh, mềm mại, khả ái) được dùng để ví với bốn đức Thường - Lạc - Ngã - Tịnh của Niết bàn.10. Hoa sen trong tín ngưỡng phồn thực: Tín ngưỡng phồn thực dài lâu dòng giống tức diên hựu vốn tiềm ẩn sâu xa trong lòng dân tộc nông nghiệp Á châu, nên văn hóa thờ phượng nguyên lý sinh thành Linh phù Lingam Yoni của Bà la môn giáo Chiêm Thành dễ ngấm ngầm ảnh hưởng ít nhiều đến nước ta từ đời Đinh-Lê-Lý. Chùa Diên Hựu tục danh chùa Một Cột xây dựng tại thành Thăng Long thời Lý Thánh Tông, với kiến trúc độc đáo là một lầu gỗ hình vuông đặt trên một cột đá trồng giữa một hồ nước. Lầu được củng cố bằng một hệ thống con sơn sóc nách bằng gỗ. Tất cả tượng hình cho một bông sen vươn lên khỏi mặt nước, do đó mà có tên là Liên Hoa Ðài, trên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Ngôi chùa vừa tiêu biểu cho tín ngưỡng mẹ Quan Âm cứu khổ cứu nạn phối hợp với nguyên lý sinh thành, mà hình ảnh linga và yoni khéo léo ngụy trang dưới hình thức một trụ nâng sáu cánh hoa sen làm nền cho ngôi chùa cầu tự mang tên là Diên Hựu, có nghĩa là dài lâu giòng giống. (Theo truyền thuyết, chùa Một Cột hình thành do giấc mộng của vua Lý Thái Tông, vào đêm xuân năm Kỷ Sửu 1049, thấy được Bồ tát dẫn lên đài sen. Thiền sư Thiền Tuệ khuyên vua xây dựng chùa một cột, cột đá giữa hồ nâng đài sen, trên có chùa như trong giấc mộng, đặt tên là chùa Diên Hựu - xem Lịch sử tư tưởng VN tập 3, GS.Nguyễn Đăng Thục).
II. Ảnh hưởng của hoa sen trong văn học Phật giáo:
1. Từ hoa sen rất phổ biến trong văn học Phật giáo lẫn dân gian:Hoa sen không chỉ là biểu tượng cho diệu pháp, mà còn chỉ bất cứ điều gì liên hệ ít nhiều với Phật giáo như: Liên nhãn (mắt Phật và Bồ tát), Liên hoa y (áo ca sa), Liên hoa tọa (ngồi kiết già), Liên hoa hợp chưởng (chắp hai tay chào kính hay niệm hương), Liên bang, Liên sát (cõi Cực lạc thế giới), Liên tông (Tịnh độ tông), Liên xã (hội đoàn tịnh độ), liên hữu (bạn đạo)..., ngoài ra, hoa sen còn ưu ái sử dụng đặt tên chùa như chùa Kim Liên, chùa Liên Phái tại Hà Nội, tên đạo tràng như  Bạch Liên xã, Sen trắng, tên cơ sở Phật giáo như nhà in Sen Vàng, thư viện Hoa Sen... pháp danh Tăng Ni, Phật tử, ngay cả tục danh như Liên Hoa, Thanh Liên, Kim Liên, Hồng Liên... cũng rất thông dụng.Trong lịch sử Phật giáo, hai vị Thánh tăng tên hoa sen danh tiếng lẫy lừng là: - Ni sư Liên Hoa Sắc (Utpalavarna), bà nguyên là người có nhan sắc kiều diễm nhưng lâm cảnh trớ trêu khổ sở về đời sống lứa đôi, nên giận đời bỏ đi làm dâm nữ tại thành Tỳ Xá Ly. Duyên may bà được Tôn giả Mục Kiền Liên thuyết pháp, bèn xin thọ giới Tỳ kheo ni với Ni trưởng Ma Ha Ba Xà Ba Đề, sau đó, đã đắc quả A la hán và được tôn xưng đệ nhất thần thông bên Ni chúng.- Liên Hoa Sanh (Padma-sambhava), theo truyền thuyết đã hóa sanh từ hoa sen, là bậc đạo sư lỗi lạc làu thông giáo nghĩa Nam Bắc tông Phật giáo nguyên trụ trì chùa Na Lan Đà, Ấn Độ. Vào năm 747, ngài đã nhận lời mời của vua Kri-son-Ide-btsan đến Tây Tạng truyền giáo Mật tông tại chùa Samyas, Nam Lhasa và được tôn xưng là Sơ tổ Hồng giáo Tây Tạng. 
2. Hoa sen trong nghệ thuật tranh tượng và kiến trúc:Về phương diện tranh tượng điêu khắc:  Hình ảnh hoa sen là nguồn cảm hứng cho giới nghệ sĩ khắp thế giới sáng tác những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc liên quan đến Phật giáo, trang trí trên điện thờ, phù điêu, tranh tượng... Sáng tác phẩm đa dạng và phong phú màu sắc của Phật giáo Tây Tạng thường được giới học giả Tây phương lưu tâm. Tại Việt Nam, nghệ thuật điêu khắc hoa sen trên nền và trụ đá, trên kèo cột, trên tháp và mái lợp các ngôi chùa xưa vẫn còn tồn tại, đặc biệt là giới khảo cổ còn tìm thấy tháp sứ Bát tràng Đại La, sản xuất phẩm từ thời Lý, bằng đất nung màu gạch đỏ, tháp có 7 tầng, cao 50cm, thân dưới hình vuông cạnh 15cm đặt trên bệ tòa sen hai tầng cánh hoa, trên đỉnh tháp là đóa sen búp. Tháp sứ này có thể là mô hình tháp chùa Phật Tích dựng năm 1057 đã bị đổ nát, nên vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật.Về phương diện kiến trúc, ngoài ngôi chùa Một Cột mà ta có thể tự hào là có sắc thái đặc thù và vẻ đẹp xinh xắn, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa đặt tại gian giữa tòa Tích Thiện am, chùa Bút Tháp cũng có nét mỹ thuật rất độc đáo. Theo tác giả Thu Phương  mô tả thì: “... tháp Cửu Phẩm Liên Hoa - Chùa Bút Tháp là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp quay chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2m, cao 50cm. Cả tháp cao 7,8m, phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Tầng một đến tầng chín biểu hiện cho những nấc thang của sự tinh tiến trong đạo Phật. Tháp có thể xoay được bởi nó được ăn chân trụ với một chiếc cối đồng chôn ngang mặt đất và hệ thống bốn cột cái đặt chung quanh tháp. Cứ mỗi vòng quay của tháp tương ứng với 3.452.400 lời niệm”. Tháp quay Cửu Phẩm Liên Hoa bằng gỗ lắp ráp rất cân xứng, nên dù đã xưa đến ba thế kỷ rưỡi mà khách hành hương vẫn còn xoay tháp quay nhẹ nhàng, quả là một công trình nghệ thuật rất sáng giá.Thay phần kết: Sống tại Hoa Kỳ, khi tưởng nhớ đến diệu nghĩa hoa sen, tôi thường ước ao một cơ hội dâng đóa sen cúng Phật, chuyện khó khăn làm sao tại xứ này. Bất ngờ, một hôm khi chắp tay niệm hương, tôi bỗng nhớ ra rằng mình đang “liên hoa hiệp chưởng” hướng về Đấng Thế Tôn, thì ra hoa sen thuở giờ vẫn thường trực hiện hữu, lỗi tự mình không mở mắt nên đã không thấy hoa mà cúng Phật.Như thế đó, Phật pháp ẩn hiện khắp nơi và vốn không rời thế gian pháp, Bồ tát luôn luôn hội nhập với cuộc đời nhiêu khê cát bụi để thăng hoa giác ngộ, như hoa sen phải nương nơi bùn nhơ thì mới có thể vượt lên khỏi mặt nước nở hoa trao hương cho đời. Tại nước nhà, ngôi chùa quê thường gắn liền với ao sen: ao sen và chùa tuy hai mà một. Hình ảnh ngôi chùa bình dị và ao sen lác đác hoa là một dung hợp hài hòa kỳ diệu: lặng lẽ không lời mà nó có thể diễn tả được đạo lý nhiệm mầu. Mà đạo lý nhiệm mầu của hoa sen đối với dân quê thật ra rất tầm thường giản dị: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ có vậy thôi! Người hành giả chỉ cần “gần đời mà không tanh mùi đời” là đẹp như hoa sen rồi, là thanh cao thoát tục rồi. Câu ca dao thoạt nghe mộc mạc mà suy ra lại vô cùng thâm thúy:Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,Nhụy vàng bông trắng lá xanhGần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.(Tác giả viết bài này để tự trách mình và cũng nhằm nhắc nhở những vị Phật tử Việt Nam, đã có phước duyên hy hữu gần gũi với loài hoa thanh khiết được tôn sùng là Sen Thánh, xin hãy trân quý chiêm nghiệm tận hưởng thời khắc đó để khỏi hối tiếc khi phải cách xa. Giống như anh chàng bần tử trong kinh Pháp Hoa, báu vật trong nhà không thấy, mà cả đời cứ run rủi săn chạy theo báu vật ảo mộng đâu đâu... Có khi nào đó, chúng ta đã bị cuốn hút theo những loài hoa sặc sỡ lòe loẹt mà quên giá trị vi diệu của loài hoa quê mùa thanh cao tại quê hương mình chăng?). 

Huỳnh trung Chánh

Tài liệu tham khảo: 1. Lịch sử tư tưởng VN, tập 3, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục 2. Phật học tinh yếu, Hòa thượng T.Thiền Tâm 3. Bản dịch Kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ: Hòa thượng Minh Châu 4.Chùa xưa tích cũ, Nguyễn Bá Lăng 5. Sáng giá chùa xưa, Chu Quang Trứ 6.Các bài khảo luận: - Tìm hiểu hình tượng hoa sen trong nghệ thuật kiến trúc, Thu Phương (thuvienhoasen.org) - Hương sen, Nguyễn Tường Bách (thuvienhoasen.org) - Hoa sen với đạo Phật, Phan Bá Cầm (thuvienhoasen.org) - Hoa sen trong Văn hóa Phật giáo, Thích Hạnh Tuệ (buumon.org) 7. Phật học Từ điển Huệ Quang 8. Phật học Từ điển, Thiên Phúc 9. Wikipedia encyclopedia: nelumbo nucifera, Nymphaeaceae

Share this article :