Misteri

Văn hoá PG
Home » » Duyên Khởi

Duyên Khởi

(12 Nhân Duyên)

là pháp Duyên khởi hay pháp tùy thuộc phát sinh, có nghĩa là sự sinh khởi của một pháp tùy thuộc vào điều kiện hay yếu tố đi trước nó làm nhân cho yếu tố sau sinh khởi. Nhân là nhân tố cơ bản để hình thành một hiện hữu, duyên là những điều kiện ắt có và đủ tác động làm cho nhân sinh khởi, tạo thành một vòng tròn nhân duyên, gọi là Thập nhị nhân duyên (Pratìtyasamutpàda). Vậy, duyên khởi có thể hiểu là sự hiện khởi trong sự hỗ tương lệ thuộc, hay do các duyên phối hợp mà pháp sanh khởi.

Nguồn gốc của giáo lý Duyên khởi
Sau bốn mươi chín ngày tư duy thiền định dưới cội bồ đề, Bồ tát Tất Đạt Đa (Siddhartha) tự thân chứng nghiệm định lý y tánh duyên khởi pháp, biết rõ mối quan hệ hỗ tương của mọi sự vật hiện tượng, thấy rõ bản thể của nhân sinh vũ trụ. Một sự khám phá vô cùng độc đáo nói lên tánh đặc thù, xác định sự khác biệt giữa giáo lý Duyên khởi và giáo lý của các tôn giáo khác. Trong hệ thống giáo lý của Đức Phật, Duyên khởi là giáo lý cơ bản. Hiểu rõ duyên khởi là hiểu rõ sự thật về sinh diệt của các pháp, nhận thức đúng các vấn đề liên quan như nhân quả, nghiệp báo luân hồi, có một cái nhìn trong sáng và tích cực trên con đường truy tìm chân lý, gợi mở một hướng sống đầy tính năng động, loại trừ tính tiêu cực thần quyền. Các pháp hiện hữu là do đầy đủ các duyên nên không có tính thường hằng, loại bỏ tư tưởng tà kiến chấp thường. Khi duyên hội đủ các pháp sẽ sinh khởi nên không vĩnh viễn mất đi, loại bỏ tư tưởng tà kiến chấp đoạn. Đây là biểu thị của con đường Trung đạo.
Duyên khởi nói lên thực tính của các pháp, mà thực tính của các pháp là duyên sinh vô tự tính, không có một tự thể riêng biệt, độc lập. Giáo lý Duyên khởi giúp ta thấy rõ thực tính của các pháp là không, vô ngã. Cho nên, tuyên ngôn về duyên sinh vô ngã là tiếng nói thẳm sâu từ cõi lòng giác ngộ và giải thoát khổ đau.
Đức Phật dạy: “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật, thấy Phật là sự giác ngộ tối thượng”, vì duyên sinh là thực tính của vạn pháp. Trong kinh Tạp A Hàm, Phật dạy: “Dù Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, mọi sự vật hiện tượng vẫn tồn tại, vận hành theo nguyên tắc duyên sinh. Khi những yếu tố, những điều kiện mất đi thì mọi sự vật hiện tượng không tồn tại. Vạn pháp không nằm ngoài nguyên lý: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”.
Theo giáo lý tương tức tương nhập, trong cái này có chứa cái kia và chi phần nào cũng vừa là nhân đồng thời cũng vừa là quả, nêu lên mối quan hệ nhân quả. Khi nào vô minh, tham ái và chấp thủ chưa được đoạn tận thì con người luôn bị chi phối bởi sự vận hành của nguyên lý này. Tuy nhiên, pháp Duyên khởi không phải là một hệ thống triết học, càng không phải là một học thuyết nhằm giải thích về sự luân hồi sinh tử hay vũ trụ nhân sinh, mà duyên khởi là một pháp hành cần phải được nhận thức rõ ràng để ứng dụng vào đời sống tu tập nhằm thoát ly đau khổ, đạt được hạnh phúc tối thượng, an định trong Niết bàn.
Nhận thức tất cả pháp hữu vi là duyên sinh vô ngã tính, cho nên nói một pháp hiện hữu chỉ là sự hiện hữu của nhân duyên sinh ra nó; một pháp hoại diệt cũng chỉ là sự hoại diệt của nhân duyên sinh ra nó. Các pháp vốn không thật sinh cũng không thật diệt. Mọi sự vật hiện tượng vận hành theo quy luật sinh trụ dị diệt hay thành trụ hoại không; do vô minh, tham ái, chấp thủ, con người không thấy rõ sự thật này nên vướng mắc trong sinh tử luân hồi. Duyên khởi trình bày sự thực vô ngã, không có một tự ngã hay hữu ngã nào hiện hữu trong cuộc sống. Nhận thức này giúp con người có thái độ xả ly mọi tham ái và chấp thủ, hướng tới con đường giải thoát.
Trong kinh Tương Ưng, Đức Phật dạy: “Ai không còn chấp thủ, không còn nghĩ đây là tự ngã của tôi, khi khổ sinh hay khổ diệt thì chỉ biết có khổ sinh hay khổ diệt mà không có cái tôi khổ và cái tôi hết khổ. Cho nên đoạn trừ chấp ngã là con đường ra khỏi sinh tử luân hồi”. Pháp Duyên khởi được Đức Phật dạy trong kinh Tương Ưng như sau: “Do vô minh có hành sinh, do hành có thức sinh, do thức có danh sắc sinh, do danh sắc có lục nhập sinh, do lục nhập có xúc sinh, do xúc có thọ sinh, do thọ có ái sinh, do ái có thủ sinh, do thủ có hữu sinh, do hữu có sinh sinh, do sinh có lão tử sầu bi khổ ưu não sinh, như vậy toàn bộ khổ uẩn sinh khởi. Do sự đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên đưa đến hành được đoạn diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt, do lục nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sinh diệt, do sinh diệt nên lão tử ưu bi khổ não diệt, như vậy toàn bộ khổ uẩn diệt”.
Duyên thay đổi thì quả sẽ thay đổi, duyên khởi chỉ bày các mối quan hệ hỗ tương nhân quả, không có một sự vật hiện tượng nào tách rời mối quan hệ nhân duyên mà tồn tại được. Chính mối quan hệ này mà không có một pháp nào thường hằng bất biến. Những điều kiện liên hệ đến sự hiện khởi của một hiện tượng khác gọi là pháp duyên khởi hay pháp tùy thuộc.
Với tuệ giác vô ngã, Đức Phật khám phá sinh mệnh chỉ là một giả hợp của mười hai nhân duyên không có một thực ngã, quán chiếu mười hai nhân duyên theo hai chiều, lưu chuyển và hoàn diệt, do thuận quán là dòng chảy của sanh tử luân hồi, do nghịch quán dẫn tới giác ngộ giải thoát.
Để hiểu rõ về duyên khởi, chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của từng chi phần trong Mười hai nhân duyên.
Vô minh (Avijjà) là không như thật tuệ tri các pháp do duyên sinh vô tự tánh, không có một tự thể độc lập, bất biến; không hiểu rõ các pháp hữu vi là vô thường vô ngã, chấp các giả tướng làm tự ngã, sanh khởi lên tham sân si; không nhận thức đúng về Tứ diệu đế, sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về sự diệt khổ, sự thật về con đường dẫn tới sự diệt khổ; không có sự nhận thức như thật mà mê mờ trong thực tại ảo, tất cả khổ đau đều phát xuất từ vô minh.
Hành (Sankkhàra) sự hoạt động bất thiện của thân hành, khẩu hành, ý hành. Do vô minh làm nhân thúc đẩy mọi hành động bất thiện, tạo nghiệp bất thiện, dắt dẫn bởi tham ái mà ta có mặt trong thế gian này.
Duyên vào hành mà thức (Vinnana) sanh khởi, bắt đầu của kiếp sống hiện tại bởi kiết sanh thức nối liền kiếp sống quá khứ và hiện tại.
Do duyên thức mà danh sắc (Nàma-Rùpa) hiện hữu hay sự có mặt của thân và tâm. Danh thuộc lãnh vực tinh thần, sắc thuộc lãnh vực vật chất.
Tuỳ thuộc vào danh sắc mà lục nhập sanh khởi.
Do lục nhập mà xúc (Phasa) sanh khởi, sự giao tiếp của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, sáu thức sanh khởi. Chính tiến trình này đưa con người từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Duyên xúc, thọ (Vedana) sanh khởi. Sự giao tiếp dẫn đến ba phạm trù cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ và xả thọ (cảm thọ trung tính).
Do duyên thọ, ái (Tanha) sanh khởi. Sự ham muốn với những đối tượng nhận thức, gồm dục ái, sắc ái và vô sắc ái, chính là động lực làm cho bánh xe luân hồi vận chuyển.
Duyên vào ái mà thủ (Upàdàna) phát khởi, tiếp tục lưu chuyển trong vòng sanh tử luân hồi. Thủ là sự nắm giữ sự vướng mắc gồm có dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Vì vậy, nơi nào có ái, nơi ấy có sự chấp thủ của tự ngã.
Duyên vào thủ, hữu (Bhava) sanh khởi gồm có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu làm nhân cho sự tái sanh trong tương lai. Hữu có hai phương diện nghiệp hữu (Kamma bhava) tức hành động tích lũy của dị thục quả và sanh hữu (Upapatti bhava) là dị thục quả hướng đến tái sanh trong tương lai.
Duyên hữu, sanh (Jati) sinh khởi, là sự hiện hữu của năm uẩn, sự khởi đầu của một kiếp sống mới do ái, thủ, hữu làm động cơ thúc đẩy đưa đến sự sanh trong tương lai.
Duyên sinh, lão tử (Jaramrana) sanh khởi, chỉ cho sự suy thoái các căn gọi là lão, sự hoại diệt các uẩn gọi là tử.
Trong mối quan hệ hỗ tương giữa các chi phần nhân duyên, chúng ta có thể kết luận: Khi một chi phần nhân duyên hiện hữu thì mười một chi phần còn lại cũng hiện hữu, khi một chi phần nhân duyên đoạn diệt thì mười một chi phần còn lại cũng đoạn diệt.
Khi nguyên nhân được đoạn trừ thì quả không còn hiện hữu. Với sự đoạn trừ vô minh hành được chấm dứt, với sự chấm dứt của hành, thức được chấm dứt… cuối cùng dẫn đến sự chấm dứt của sanh già bệnh chết. Khi nguyên nhân hiện hữu thì quả hiện hữu, với sự phát sanh của nhân thì quả phát sanh.
Lý Duyên khởi giúp ta thấy rõ mối tương quan sinh diệt của vạn hữu vũ trụ, không có một pháp nào có thể hiện hữu độc lập. Trong cấu trúc của duyên khởi không có một tự ngã độc lập, cũng không có một quyền năng sáng tạo mà chính con người là chủ nhân quyết định cho mọi giá trị của cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ nên duyên khởi là một nguyên tắc hay quy luật của cuộc sống. Ai nhận thức được quy luật này, có thể đạt được cuộc sống an bình và hạnh phúc. Cho nên Phật dạy, pháp Duyên khởi là vì con người và cho con người. Hướng dẫn con người nỗ lực chuyển hóa vô minh, tham ái và chấp thủ, phát triển trí tuệ để có một cái nhìn toàn diện về duyên khởi, thấy được sự thật tối hậu, thực tướng của vạn pháp là vô tướng, tất cả chỉ là duyên sinh như huyễn. Nhận thức duyên khởi bằng chánh tri kiến, chánh tư duy, giúp ta ra khỏi thế giới của nhận thức hữu ngã, xa lìa tham ái chấp thủ. Khi ái thủ được đoạn diệt, nhân duyên của thế giới sanh tử luân hồi tan rã cũng chính là chứng đạt giác ngộ giải thoát.
Duyên khởi là giáo lý đặc thù của đạo Phật. Nhận thức được duyên khởi, chúng ta sẽ có một cái nhìn trong sáng, năng động và tích cực trong các lãnh vực như Nghiệp cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi và Pháp giới duyên khởi vv…
Khi thấy được tính nhân duyên, ta không còn mơ hồ trong ảo tưởng, thấy được giả tướng của các pháp, ra khỏi tâm ngã ái, tâm ngã kiến, vượt thoát vọng tưởng điên đảo “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.
Chính nhờ tầm nhìn rộng mở này, con người hướng tới một đời sống tuệ giác, cao thượng và thánh thiện. Ứng dụng giáo lý Duyên khởi vào cuộc sống tu tập, thấy rõ các pháp hữu vi là duyên sinh đều là Không. Nhận rõ được bản chất của các mối quan hệ nhân duyên giúp ta hiểu được bản thể của thực tại vô ngã, xa lìa mọi tham ái chấp thủ, chứng ngộ được tri kiến giải thoát. Nếu nhận thức sai lầm mọi sự vật hiện tượng đều có tự tính thì không thể hiểu rõ thật tướng của vạn pháp. Giác ngộ duyên khởi thấy rõ vạn pháp duyên sinh giả hữu, đoạn diệt hoàn toàn nguồn gốc của mọi tham ái, chấm dứt si mê, tuệ sinh khởi chứng đạt nhân không, pháp không là con đường ngắn nhất dẫn tới cảnh giới Chân như của chư Phật, chứng đạt Niết bàn.

CÂU HỎI ÔN TẬP:
1- Giải thích ý nghĩa của Mười hai chi phần nhân duyên.
2- Giáo lý Duyên khởi giúp gì cho bạn trong tư duy và nhận thức về nhân sinh quan và vũ trụ quan?
3- Ứng dụng giáo lý Duyên khởi trong đời sống tu tập, bạn thấy lợi ích gì?
4- Tại sao giáo lý Duyên khởi có tính cách đặc thù của Phật giáo?

Ban Hoằng Pháp
Share this article :