Misteri

Văn hoá PG
Home » » Đường đến bình an

Đường đến bình an


image
Ai đó đã ví cuộc sống như một dòng sông chảy mãi. Đặc biệt, khi chúng ta còn trẻ, cuộc sống như một chuỗi hành trình vô định, mải miết.
Bảy tuổi tôi cùng gia đình rời xa quê ở miền Bắc để vào một tỉnh tít tắp miền Nam sinh sống. Mặc dù đôi khi nhớ lại, ấn tượng buồn về sự kỳ thị người Nam kẻ Bắc vẫn làm tôi xốn xang, thì có thể nói cuộc sống ở đó khá êm đềm. Điều đáng nhớ nhất là tôi từng có cơ hội tha hồ len lỏi vào trong kho sách của thư viện nơi mẹ làm mà “khám phá thế giới” qua đủ mọi thứ sách trên đời: truyện Tây Tàu ta, tiểu thuyết, thơ ca, lịch sử, cổ tích... Tôi từng mê mẩn từ chú bé bán diêm đáng thương trong truyện cổ tích Andersen đến Khổng Minh uyên bác, hay khóc than cho chị Dậu khổ sở phải bán con…

Mười tám tuổi điểm đến kế tiếp trong hành trình di chuyển của tôi là Sài Gòn. Tôi học đại học ở đây, khá bận rộn vì phải tích luỹ thêm vô số các chứng chỉ Anh Văn, vi tính, chuyên ngành; đi dạy kèm, và yêu nữa chứ. Tuy hoạt động nhiều như vậy nhưng lắm lúc tôi vẫn cảm thấy mình thật cô đơn, cứ khắc khoải tự hỏi mình thuộc về nơi đâu? Tôi là người Bắc, là người tỉnh nọ, hay là người Sài Gòn?...

Điều đáng nói là thế giới sách đáng yêu một thời đã bị rời xa.

Một núi sự kiện

Hoà mình vào Sài Gòn năng động, phóng khoáng và vào nhịp phát triển kinh tế của đất nước thời mở cửa, trong vòng mười năm từ khi ra trường tôi làm đủ thứ công việc khác nhau, từ xuất nhập khẩu đến làm báo, PR-marketing rồi đầu tư chứng khoán. Công việc này dẫn đến công việc kia, các lớp học thêm, các hội nhóm kinh doanh lôi cuốn tôi không ngừng. Mọi thứ đều mới mẻ và hấp dẫn đối với một kẻ đam mê “khám phá thế giới” qua công việc!

Trong thế giới của kẻ nghiện việc, thời gian dành cho cuộc sống cá nhân là một điều xa xỉ. Ngôi trường phổ thông, bạn bè ngày xưa ở nơi cũ trở nên mờ nhạt và xa xôi quá, vì gia đình tôi cũng chuyển hẳn lên Sài Gòn. Mà tôi cũng chả có thời gian để chăm lo cho bố mẹ hay nghĩ đến việc yêu đương đâu. Đầu óc tôi bận rộn nạp tiếp dữ liệu cho hàng núi sự kiện mới của sự nghiệp không ngừng phát triển! Lúc nào cũng projects và projects (dự án). Mọi thứ đều phải nhanh nhanh, gấp gấp, khẩn cấp. Sống với tốc độ cao, các sự kiện mới và cũ cứ chồng mãi lên nhau, đến một lúc thành một trái núi to đùng, cao ngất!

Tôi hoàn toàn bị động trong cái vòng “kim cô”, của guồng quay công việc – dòng sông chảy mãi và một núi các sự kiện quá khứ – hiện tại – tương lai chất chồng lẫn lộn lên nhau. Thử tưởng tượng, nặng như một trái núi mà lao với tốc độ cao như vậy, khi gặp tai nạn thì sao?

Dừng lại, nhận biết và buông bỏ

Dừng lại, nhận biết và buông bỏ là những điều cơ bản cần làm nếu muốn bình an, theo đại sư Thích Nhất Hạnh. Nhờ thời gian “dừng lại” – phải tạm ngừng làm việc để chữa bệnh, tôi mới nhận biết được mình đã phóng nhanh như thế nào, từng gặp stress kinh khủng ra sao. Áp lực công việc khiến tôi nhiều lúc nóng nảy như một con điên. Không lý trí nào có thể kiềm chế lại những cơn nóng giận bộc phát như vậy vì nó có thể đến bất kỳ lúc nào, do bất kỳ trục trặc nào trong công việc.

Còn nhớ, các bài tập “thiền hành” là bước đầu tiên đưa tôi đến với bình an. Cứ thế trong suốt mấy tháng trời trị bệnh, buổi sáng và buổi tối hoặc bất cứ lúc nào có thể, tôi vừa đi bộ, hít thở sâu đều đặn, vừa lẩm nhẩm đọc các câu “thần chú” theo từng nhịp thở:

“Thở vào tâm tĩnh lặng,Thở ra miệng mỉm cười.Thở vào an trú trong hiện tạiThở ra giây phút tuyệt vời”.

Từ việc nhận biết được hơi thở của mình, con người và sự việc xung quanh cũng được cảm nhận rõ nét hơn, lúc đó ta có “chánh niệm”. Khi thở vào, thở ra tôi cố gắng ý thức được cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mình trong từng giây phút. Vì vậy tránh bớt đi được các trạng thái quá khích của vui, buồn hay tức giận! Nhờ nhịp thở sâu đều đặn, tôi trở nên bình tĩnh, sáng suốt hơn để lựa chọn đâu là những gì thực sự cần làm, hơn là quay cuồng vì đủ thứ công việc như trước.

Tôi cũng có thời gian đọc tiểu thuyết, xem phim tình cảm, nghe nhạc cổ điển, và đến thăm đảo Phú Quốc trong lành. Tâm hồn nhẹ nhõm thư thái mang đến cảm giác hưởng thụ được cuộc sống nhiều hơn hẳn. Tôi quyết tâm “buông bỏ” nhiều thứ trong kế hoạch phát triển sự nghiệp của mình. Rồi tiếp tục những “buông bỏ” khác: bỏ bớt đồ đạc, sách vở, internet; không tham gia các khoá học mới, tạm ngừng tạo dựng các mối quan hệ mới... sau đó sắp xếp lại mọi thứ và chỉ giữ lại những gì thực sự quan trọng. Nhờ vậy trái núi sự kiện dần dần xẹp xuống.

Tốc độ sống chậm lại, đầu óc thông thoáng, căng thẳng lắng dịu. Tôi thấy bình an!

Bình an và thế giới mới

Điều thú vị là khi đọc sách tôi cảm thấy được trở về với ký ức tuổi thơ ngày nào. Lúc này, tôi cũng có nhiều thời gian lo lắng cho gia đình hơn. Tôi còn gặp lại một số người bạn học phổ thông, khi xưa thân thiết lắm nhưng dòng thời gian chảy xiết đã làm chúng tôi lạc mất nhau. Khi hiểu ra rằng, mình thuộc về những người thân yêu, lòng tôi ấm áp hẳn và không còn bị nỗi cô đơn từ thưở sinh viên dằn vặt nữa.

Như vậy, “thiền” mang đến sự cảm nhận cuộc sống ở một chiều kích khác, sâu lắng và gần gũi với bản thân mình hơn. Tôi nhận thấy được những sở thích, đam mê hay những giá trị mình theo đuổi và sống theo bản năng nhiều hơn. Tôi đang được “trở về với chính mình”, và nó giúp tôi “bình an” giữa bộn bề cuộc sống bên ngoài.

Hoá ra, thế giới cần khám phá nhiều nhất lại chính là bản thân mình!


Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Share this article :